Hãy chơi hết mình, yêu hết mình và học hết mình!

PHARMagazine đã có một cuộc phỏng vấn với ThS. Ngô Thị Xuân Mai, Giảng viên Bộ môn Dược Liệu và đã được nghe cô chia sẻ nhiều điều thú vị.

PMZ: Em chào cô! Trước hết, xin cô có thể nói qua về công việc của cô ở khoa Dược. Cô bắt đầu giảng dạy từ khi nào?

Cô Mai: Cô ra trường năm 1987 và từ đó tới nay vẫn luôn gắn bó với khoa Dược. 10 năm đầu tiên cô làm trợ giảng. Đến năm 2001 thì cô bắt đầu được dạy lý thuyết, còn trước đó thì chỉ dạy thực tập. Nhưng cũng nhờ khoảng thời gian hướng dẫn các bạn thực tập mà được gần gũi với sinh viên nhiều hơn.

PMZ: Cô kể cho chúng em biết đôi điều về thời sinh viên của cô được không ạ?

Cô Mai: So với các em bây giờ thì thời sinh viên của cô khó khăn lắm, đa số sinh viên đều phải đi làm thêm để có tiền đi học, việc học hành mở rộng cũng khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Điều cô bức xúc cho bản thân mình nhất đó là thời của cô không được học ngoại ngữ. Khi ra trường cô chẳng biết chữ tiếng Anh nào, và cô phải tự học. Bây giờ các em có điều kiện, do đó các em nên trau dồi ngoại ngữ vì ngoại ngữ rất quan trọng, nó sẽ mở đường cho mình rất nhiều, nếu không biết ngoại ngữ thì sau này mình có chuyên môn giỏi như thế nào cũng không được.

PMZ: Với điều kiện học tập khó khăn như vậy, chắc hẳn thế hệ các thầy cô lúc đó cũng chẳng có được nhiều hoạt động ngoại khóa như của chúng em bây giờ!

Cô Mai:Thời của cô ít có lễ hội, hoạt động ngoại khóa lắm! Cũng ít chỗ đi chơi nữa. Vì thế mà các cặp yêu nhau chỉ hay chở nhau ra nhà thờ Đức bà.

PMZ: Nhân thể nhắc tới chuyện tình yêu, một chủ đề tuy rằng ít được nhắc tới nhưng chưa bao giờ là cũ trong đời sống sinh viên, cô có thể chia sẻ với chúng em quan điểm của cô về tình yêu trên giảng đường đại học?

Cô Mai: Cô có một kỉ niệm vui, cũng đã cách đây rất lâu rồi. Hôm đó, sau khi dạy xong phần nhận thức ở vườn, cô đang đi kiểm tra xem có ai ngắt phá cây hay không thì thấy có một em nam sinh đứng bên cây lài, vẻ rất băn khoăn. Cô lại hỏi thăm, bạn nam sinh ấy hơi ngại ngần một chút, nhưng rồi cũng nói ra. Chuyện là bạn ấy có một người bạn gái ở cùng quê, cùng vào đây học, nhưng không cùng ngành. Tình cảm của 2 bạn vẫn đang rất tốt đẹp. Tuy nhiên bạn ấy lại sợ yêu đương rồi sẽ làm ảnh hưởng đến việc học, vì thi được vào trường này vốn dĩ đã rất khó khăn. Cô nghe vậy thì cười và đáp: “Đâu có sao! Nếu tình yêu được đặt đúng vị trí và được phát huy thì nó sẽ trở thành sức mạnh giúp cho cả hai vượt qua được những khó khăn! Em đừng lo nữa nhé!”
Thật ra, chia sẻ của em nam sinh đó rất giống với những suy nghĩ của cô trong những năm đầu tiên thời sinh viên. Mình vào đây khó khăn quá như vậy thì có nên yêu không?. Suốt mấy năm đại học, cô chỉ biết cắm đầu cắm cổ vào học. Sau này nhìn lại khoảng thời gian đó cô thấy hối tiếc lắm. Bởi vì đó là thời kì đẹp nhất, thời mơ mộng, thời kì chuẩn bị đặt chân lên ngưỡng cửa tương lai của mình, thì việc gì lại không yêu. Vậy mà lúc đó cô rất nghiêm khắc với bản thân, một phần cũng do gia cảnh khó khăn nên trong đầu cô chỉ có mục đích học và kiếm tiền… Tình cờ làm sao “thằng nhóc” này hỏi đúng ngay vấn đề đó, nên cô khuyến khích liền. Học là học, yêu cứ yêu, không sao hết, em cứ tận hưởng đời sinh viên của mình và tình yêu của mình thôi.

PMZ: Biết được những suy nghĩ này của cô , em nghĩ sẽ có nhiều bạn sinh viên thêm vững lòng với tình yêu của mình đó. Thưa cô, PHARMagazine số tháng 4 này tập trung vào chủ đề rất nóng: môi trường. Là một giảng viên, cô đánh giá thế nào về tình trạng vệ sinh hiện nay của khoa mình?

Cô Mai: Nói thật là cô vẫn chưa được ưng ý lắm. Mặc dù ở khoa đã có đội ngũ các chị nhân viên quét dọn, nhưng với số lượng sinh viên ngày càng đông, cộng thêm hiện nay trường cho thuê sân bóng nên người ngoài cũng càng nhiều, việc giữ gìn vệ sinh trong khoa trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, cơ sở vật chất của trường mình vẫn chưa thật tốt nên xuống cấp rất nhanh.

PMZ: Vậy cô có đề xuất biện pháp nào để khắc phục tình trạng này không ạ?

Cô Mai: Cô thấy phong trào Đoàn – Hội hoạt động rất hiệu quả, các em nên thông qua những phong trào này để kêu gọi ý thức của mọi người. Đồng thời phải có biện pháp quản lý trong các phòng thí nghiệm của các bộ môn. Điều cuối cùng quan trọng nhất chính là ý thức của mỗi người. Các em đi học đại học rồi, đều là người lớn rồi, phải biết giữ vệ sinh để giữ hình ảnh đẹp của khoa Dược đối với những vị khách đến tham quan.

PMZ: Ngoài ra, em còn thấy có tình trạng một số bạn sau khi học Nhận thức dược liệu đã ngắt một số mẫu cây trong vườn. Cô có ý kiến gì về chuyện này?

Cô Mai: Theo cô thấy thì các bạn ngắt cây chỉ vì muốn xem cây kĩ hơn, vò ra ngửi xem mùi thế nào… Bản thân cô cũng rất muốn để sinh viên dùng cảm quan để nhận biết được các cây thuốc, vì đó là mục tiêu môn này mà. Vì thế trong quá trình giảng dạy cô cũng có khi chủ động ngắt cây để cho các em xem kĩ. Tuy nhiên không phải cây nào trong vườn cũng có nhiều. Đối với một số loài cần giữ giống, nếu cho các em ngắt thoải mái thì chết hết cây mất! Đó cũng là một điểm hạn chế (do điều kiện khách quan) trong giảng dạy môn này.

PMZ: Cũng đã tiêu tốn khá nhiều thời gian của cô rồi! Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, cô có điều gì nhắn nhủ cho các bạn sinh viên trong số cuối này của PHARMagazine không ạ?

Cô Mai: Đây là giai đoạn hết sức vất vả với sinh viên năm cuối vì các em phải làm khóa luận hay ôn thi tốt nghiệp. Dù rất căng thẳng nhưng các em phải cố gắng hết sức, vì chỉ còn vài tháng nữa thôi là sẽ trở thành dược sĩ thực thụ rồi. Còn đối với các em sinh viên năm nhất, cô chỉ muốn nhắn nhủ một điều: các em vừa bước vào một chân trời mới, chưa thấy hết được những khó khăn nhưng hãy cố gắng nỗ lực từ đầu, đừng học kiểu đối phó. Tuy rằng lượng kiến thức các em phải học sau khi ra trường sẽ còn lớn hơn nhiều lần nhưng những gì học ở đại học sẽ giúp em có một nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp. Các em thi vào trường này đã vất vả thì phải học sao cho thật xứng đáng. Nói tóm lại, các em phải tận dụng thời sinh viên của mình, chơi hết mình, yêu hết mình, nhưng cũng phải học hết mình.

PMZ: Xin cảm ơn cô đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

Thực hiện: Thùy An – Ngọc Linh – Bích Ngọc

The magazine of Faculty of Pharmacy, University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh city, Vietnam

Tagged with: , , ,
Posted in Focus, Latest news

Leave a comment

free counters